AgeCode · 17/07/2020

Phải Làm Sao Khi Có Quá Nhiều Thứ Ta Muốn Làm Trong Đời? – Câu Trả Lời Đơn Giản Hơn Bạn Nghĩ

Cuộc sống muôn màu luôn mang tới cho ta hàng ngàn cơ hội hấp dẫn.

Vì thế mà ta muốn nắm lấy tất cả, muốn tham gia khóa học này, thực hiện dự án kia, đọc cuốn sách đó, học kỹ năng nọ, trong khi cũng phải đi làm, dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè nhưng thời gian chỉ vẻn vẹn trong một hoặc hai tháng tới?

Điều này vẫn luôn là một vòng luẩn quẩn: Sự hào hứng ngập tràn khắp tâm trí bạn, khiến bạn lập tức tận dụng tối đa thời gian biểu của mình để làm mọi thứ. Nghĩ rằng, người khác làm được, vậy tại sao mình không thể chứ? Và bạn bắt đầu thực hiện.

Nhưng sự thật thì không như là mơ, công việc ban đầu tưởng như rất thú vị lại dần trở nên quá tải.

Tuy biết mọi thứ phải được làm theo thứ tự ưu tiên, nhưng việc gì cũng quan trọng tới nỗi bạn chẳng thể lựa chọn được. Và đó cũng là lúc điều tồi tệ nhất xảy – bạn làm theo phương pháp hiệu quả nhất có thể nghĩ tới: trì hoãn.

Vậy là bạn trì hoãn, cho tới khi deadline cận kề và bạn phải nhào hoàn thiện cái “gấp” thay vì cái “quan trọng”. Rồi bạn thất vọng vì kết quả, kéo theo đó là mất phương hướng để rồi chẳng biết làm gì tiếp theo. Và bạn tự hỏi: Tại sao lúc nào cũng đưa ra những lựa chọn sai lầm? Đúng ra phải bắt đầu mọi thứ từ sớm hơn chứ nhỉ? Lần tới phải lên kế hoạch như thế nào thì mới có hiệu quả?

Vậy câu trả lời cho tất cả là? – Hãy thay đổi cách tư duy của bạn.

Hãy tự hỏi mình một câu hỏi khác xem?

Để bắt đầu, tôi xin phép được chia sẻ câu chuyện của mình:

Vài năm trước, khi quyết định nghỉ việc để thay đổi cuộc đời, có hàng ngàn thứ mà tôi muốn làm: lập một kênh Youtube chia sẻ về các mối quan hệ, trở thành một nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, tạo một blog riêng, làm freelancer tạm thời, trở thành một nhà khai vấn, tập yoga và thiền, du lịch khắp thế giới và nhiều điều khác nữa.

Tôi muốn và đã cố gắng thực hiện những dự định này cùng một lúc.

Và kết quả thì không như mong đợi, chẳng có gì nên hồn.

Sự quá tải nhanh chóng lấy đi toàn bộ thời gian nghỉ ngơi của tôi; cảm giác mặc cảm và nỗi sợ bị bỏ lỡ(*) thì luôn thường trực mỗi khi tôi cố gắng làm việc – bởi tôi sợ khi ấy mình lại đang bỏ lỡ một công việc khác. Điều này khiến cuộc sống của tôi không khác gì một mớ hỗn độn giữa những ưu tiên cho công việc và bản thân; chúng rút cạn năng lượng, sự tập trung, niềm vui sướng thay vì mang đến cảm giác thỏa mãn như ý tưởng ban đầu.

Rồi tôi ngộ ra: Mình phải có một cái nhìn bao quát hơn.

Sự thật là, khi quá bận rộn, mất tập trung, hoặc thiếu tỉnh táo, bản năng ta lập tức tìm những hướng đi và giải pháp mới. Ta thử phần mềm năng xuất mới, đọc một cuốn sách mới, ta thay đổi danh sách việc cần làm cũng như lộ trình hướng tới mục tiêu đã đề ra, ta làm tất cả mọi thứ để cải thiện hiệu quả công việc, nhưng lại bỏ qua yếu tố quan trọng nhất: nhu cầu bản thân – điều thôi thúc ta đạt lấy những mục tiêu ban đầu.

Thế là tôi tự hỏi:

“Mình thực sự cần gì?”

Điều gì đã thúc đẩy tôi theo đuổi tất cả những giấc mơ, làm theo những nhiệm vụ, kế hoạch và thói quen kia? Tôi đang cố gắng lấp đầy khoảng trống nào trong trái tim và tâm hồn vậy? Tôi làm tất cả việc này để làm gì?

Khi còn bé, ta biết điều mình cần và cách để thể hiện nó: Khóc mỗi khi ta đói, buồn ngủ, hoặc cần vỗ về; còn ta cười khi được chơi cùng, được quan tâm. Nhưng càng lớn thì mọi việc trở nên phức tạp hơn. Ngoài những nhu cầu thiết yếu để tồn tại, ta nhận ra mình còn cần được công nhận, quan tâm, phải được học hỏi cũng như biết cách để tự phát triển bản thân v.v. Nghe có vẻ như một danh sách các mục tiêu cồng kềnh và phức tạp phải không? Nhưng sự thật không phải như vậy, mọi điều trên đều tuân theo một quy luật: Ta cảm thấy hạnh phúc khi có được những gì ta muốn (và những nhu cầu này đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều.)

Khi tự hỏi “tôi cần gì?” thay vì “tôi phải làm gì?”, mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn.

Tôi nhận ra mọi việc đều có nguyên do của nó. Và tại sao tôi nhận dự án này, làm công việc kia, nắm lấy cơ hội đó, thì đều có lý do cho việc đấy cả. Chỉ là tôi chưa từng để tâm đến mà thôi.

Dần dần, tôi hiểu rằng mình không nhất thiết phải tiếp tục duy trì kênh youtube mình không còn hứng thú, hoặc dành quá nhiều thời gian làm việc chỉ để chi trả cho những sinh hoạt phí hằng ngày. Và nhận ra chỉ cần những nhu cầu của mình được đáp ứng – được chú ý, được công nhận, thỏa sức sáng tạo, tận hưởng cuối sống, được du lịch thoải mái với thu nhập ổn định và có thể đem những điều tích cực ra thế giới; thì cho dù phải làm bất cứ công việc nào, tôi vẫn thấy hạnh phúc.

Và hướng đi tốt nhất chính là việc bắt đầu viết blog.

Khi bạn lên danh sách những công việc, thói quen, dự định trong cuộc sống (trong hiện tại, tương lai, hay chỉ là giả thuyết), và tự hỏi: “Giá trị gì của nó đã khiến mình muốn làm việc này?”

Nhờ đó, bạn nhận ra, việc bạn liên tục tham gia các khóa học thực chất là bởi bạn rất ham tìm tòi và học hỏi. Nhưng bạn phản bác: Nhưng tôi luôn bị quá tải bởi những “kiến thức” ấy? – và từ đây, ta lại có rất nhiều hướng giải quyết: Có lẽ, bạn cần phải biết cân bằng ý chí của mình để có chỗ cho sự sáng tạo nữa; Hay là do là chủ đề bạn học chưa đủ phấn khởi phải không?; Hay thực chất, bạn đi học do chẳng có gì để làm, và việc bạn cần mới là tìm ra mục đích và giá trị mình hướng tới?

Khi tìm lại giá trị của bản thân, không thể tránh khỏi những “sự thật mất lòng.” Chẳng hạn như, công việc bạn làm thực chất chỉ để hài lòng cha mẹ; hay bạn đang sống vì kỳ vọng của người khác. Đừng nản lòng! Hãy cứ tiếp tục hỏi cho tới khi bạn hiểu được: Tại sao mình quá coi trọng suy nghĩ của người khác? Tại sao mình không thể chấp nhận bản thân mình? Phải làm sao để cha mẹ vẫn yên lòng? Làm gì để hàn gắn lại mối quan hệ này đây?

Thế là bạn đang đi đúng hướng rồi đó.

Gợi ý thêm là bạn cũng có thể hỏi bản thân rằng: “Điều mà tôi chưa được đáp ứng là gì?”

Để tìm câu trả lời, bạn nên nhìn lại những khoảnh khắc và sự kiện trong đời – những giây phút bạn cảm thấy buồn chán và không hài lòng với bản thân, để rồi trì hoãn, gây gổ hay lạc lối.

Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ! Bởi những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt như: Liệu bạn có đủ không gian riêng? Những thành tựu trong công việc của bạn thì sao? Bạn có đủ thời gian nghỉ ngơi hay giải trí chứ? Liệu những mối quan hệ của bạn có đáng tin cậy không? Xu hướng tính dục của bạn thì sao? Bạn có thể đi làm tình nguyện không? Bạn có cảm thấy an toàn và ổn định chứ? 

Nhưng, khi nhìn lại, cho dù nhu cầu của ta có nhiều đến bao nhiêu, thì thời gian cũng chỉ là hữu hạn. Và rồi ta lại phải học cách ưu tiên công việc. Thế là một vấn đề mới lại nảy sinh: “Làm sao để tôi có thể tối ưu hóa hành động của mình của để có thể đáp ứng nhiều nhu cầu nhất có thể?”

Điều này đơn giản thôi, hãy thử nghĩ bạn có thể chạy bộ cùng bạn bè thay vì ngồi café, thế là bây giờ bạn vừa có thể gặp gỡ bạn bè và đồng thời nâng cao thể chất. Tôi khuyên bạn nên tìm một công việc thỏa mãn nhu cầu bản thân nhưng cũng mang đến cho bạn sự ổn định về tài chính. Nhờ vậy, bạn có thể sống vui vẻ, thỏa mãn, và có thể mang tới giá trị tốt đẹp tới mọi người.

Và bạn nên có một bức tranh toàn cảnh.

Khi đã biết rõ điều mình cần – biết bạn đang thiếu gì, bạn đang cần gì, và tìm được nguyên do cho những vấn đề của mình – thì cũng là lúc bạn nên có thêm những hướng đi mới.

Hãy thoát mình khỏi những ý tưởng luôn giam cầm bạn bấy lâu nay, gạt chúng sang một bên. Và hỏi: “Mình dám hi sinh bao nhiêu để có thể đạt được điều mình muốn?”

Để nói rõ hơn, tôi luôn nghĩ tới những khả năng, ví dụ như việc bỏ lại tất cả để thiền trong một cái hang trong cánh rừng đất Thái xa xôi, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, cạo đầu, hay bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết. Và từ đó, những suy nghĩ ấy cho tôi một cái nhìn thoáng hơn về những ưu tiên trong đời mình, cho phép tôi lựa chọn điều mình nên thực hiện.

Đúng, đây là quả đầu tôi mới cạo mấy năm trước.

Đôi khi ta chỉ cần một cái nhìn bao quát hơn.

Từ đó, bạn biết được con đường mình đang đi, biết bản thân phải buông bỏ hay nên duy trì điều gì. Để rồi nhận ra, nếu không dám xoáy sâu vào tâm can, để tìm mong muốn sâu thẳm nhất trong tâm hồn – điều giúp bạn cân nhắc mỗi khi phải đưa ra một quyết định, thì khả năng cao bạn sẽ chẳng bao giờ hài lòng với bất cứ điều gì.

Và đừng lo nếu bạn cảm thấy bế tắc và không biết phải làm gì. Cũng đừng sợ hãi nếu lòng mình rối bời và nhận thấy có quá nhiều việc cần làm. Bởi sau cùng, tất cả đều là tín hiệu dự báo về một mong muốn chưa được đáp ứng. Với tôi cũng vậy, mỗi khi âu lo ập đến, tâm tôi tịnh lại để có thể tập trung đào sâu và bóc tách vấn đề. Vậy nên, tôi khuyên bạn tìm cho mình những khoảng lặng trong cuộc sống. Đó có thể là những điều giản dị như làm một cuốc bộ trong rừng, ngắm biển trải dài trên bờ cát, hay đơn giản là thẫn thờ nhìn ra ngoài ô cửa. Những hành động tưởng chừng như đơn giản lại thực sự có ích và nhờ đó tôi có thể xác định điều cần thiết cho mình.

Đọc xong bài viết này, nếu bạn vẫn đang cố gắng tìm kiếm cho mình một mục đích, thì đây là thời điểm thích hợp để bạn hiểu hơn về bản thân mình đấy. Hãy dành thời gian cho bản thân, bỏ đi chiếc điện thoại quen thuộc, trốn khỏi cuộc sống xô bồ đầy xao nhãng và tìm về thiên nhiên. Còn nữa, tôi gợi ý bạn mang theo một cuốn sổ, nó sẽ rất có ích trong việc kết nối bạn với những tâm tư thầm kín nhất trong chính lòng mình đấy!

———

(*) FOMO là viết tắt của Fear Of Missing Out, hiểu nôm na là nỗi sợ bị bỏ lỡ, mất cơ hội. Những người mắc phải hội chứng FOMO này thường có cảm giác sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. 

———-

Tác giả: Sílvia Bastos 

Link bài gốc: If You’re Overwhelmed With Too Many #1 Priorities, Ask Yourself This Question

Dịch giả: Lê Quỳnh Lam – ToMo – Learn Something New 

Việc làm đang tuyển