AgeCode · 24/09/2020

Quy Tắc 50/30/20 Trong Quản Lý Tài Chính


Quy tắc 50/30/20 (còn được gọi là quy tắc 50/20/30) là một phương pháp lập ngân sách có thể giúp bạn giữ chi tiêu phù hợp với mục tiêu tiết kiệm của mình. Ngân sách không chỉ là việc thanh toán các hóa đơn của bạn đúng hạn — ngân sách phù hợp có thể giúp bạn xác định số tiền bạn nên chi vào những khoản nào.

Quy tắc 50/30/20 có thể đóng vai trò như một công cụ tuyệt vời giúp bạn đa dạng hóa danh mục tài chính của mình, để đạt được các mục tiêu tiết kiệm một cách chủ động và tăng cường sức khỏe tài chính tổng thể.

Trong bài này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn các bước lập ngân sách bằng cách sử dụng phương pháp 50/30/20 để bạn có thể tìm hiểu cách thiết lập ngân sách bền vững, hiệu quả và đơn giản. Nội dung của bài viết bao gồm các phần:

  • Quy tắc lập ngân sách 50/30/20 là gì?

  • Nhu cầu thiết yếu: 50% thu nhập của bạn

  • Nhu cầu muốn: 30% thu nhập của bạn

  • Tiết kiệm: 20% thu nhập của bạn

  • Tự hỏi bản thân: Tại sao Ngân sách 50/30/20 là Cần thiết?

  • Cách lập ngân sách với Quy tắc 50/30/20

  • Ngân sách 50/30/20 có phù hợp với bạn không?

  • Bài học rút ra chính: Cách lập ngân sách với 50/30/20

 

Quy tắc 50/30/20 là gì?

Quy tắc 50/30/20 được tạo ra bởi thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và con gái của bà, quy tắc này còn được gọi là 50/20/30, quy tắc chia thu nhập sau thuế thành ba nhóm khác nhau:

  • Nhóm nhu cầu thiết yếu (50%)

  • Nhóm nhu cầu muốn (30%)

  • Nhóm tiết kiệm( 20%)

50% dành cho các nhu cầu thiết yếu

Ở nguyên tắc này dành ra không quá một nửa thu nhập cho những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của bạn. Điều này có vẻ giống như một tỷ lệ phần trăm cao (50%), nhưng khi bạn xem các khoản phải chi cho nhóm này thì nó bắt đầu có ý nghĩa hơn.

Các chi phí thiết yếu của bạn là những khoản bạn gần như chắc chắn sẽ phải trả, bất kể bạn sống ở đâu, làm việc ở đâu hoặc kế hoạch tương lai của bạn bao gồm những gì. Nhìn chung, những chi phí này gần như giống nhau đối với mọi người và bao gồm:

  • Nhà ở

  • Ăn uống

  • Chi phí đi lại

  • Các hóa đơn cơ bản

Tỷ lệ phần trăm cho phép bạn điều chỉnh, trong khi vẫn duy trì ngân sách cân bằng, hợp lý. Và hãy nhớ, nó nghiêng về tổng số tiền hơn là chi phí riêng lẻ. Ví dụ, một số người sống ở những khu vực có giá thuê cao nhưng vẫn có thể đi bộ đến nơi làm việc, trong khi những người khác được hưởng chi phí nhà ở thấp hơn, nhưng phương tiện đi lại lại đắt đỏ hơn nhiều.

 

30% dành cho các nhu cầu muốn

Loại thứ hai, và là loại có thể tạo ra sự khác biệt nhất trong ngân sách của bạn, là các khoản chi không cần thiết để nâng cao lối sống của bạn. Một số chuyên gia tài chính coi danh mục này là hoàn toàn tùy hứng, nhưng trong xã hội hiện đại, nhiều thứ được gọi là xa xỉ này đã trở thành một trạng thái bắt buộc. Tất cả phụ thuộc vào những gì bạn muốn trong cuộc sống và những gì bạn sẵn sàng hy sinh.

Các chi phí sinh hoạt cá nhân này bao gồm các khoản như: gói cước điện thoại di động, hóa đơn cáp và các cuộc hẹn cà phê. Nếu bạn đi du lịch xa hoặc có công việc phải di chuyển nhiều, gói điện thoại di động của bạn cần thiết hơn là một thứ xa xỉ. Tuy nhiên, bạn có một vài mục để trống để bạn có thể quyết định mức độ dịch vụ mà bạn đang thanh toán. Các thành phần khác của danh mục này bao gồm chi phí tại phòng gym, các chuyến picnic cuối tuần và ăn tối cùng với bạn bè. Chỉ bạn mới có thể quyết định khoản chi nào của mình có thể được coi là “cá nhân” và khoản nào thực sự bắt buộc. Tương tự như việc sử dụng không quá 50 phần trăm thu nhập của bạn được dùng cho các chi phí thiết yếu, 30 phần trăm là số tiền tối đa bạn nên chi cho các lựa chọn cá nhân. Bạn càng có ít chi phí trong danh mục này, thì bạn càng dễ dàng trả được các khoản nợ và đảm bảo tương lai của mình.

 

20% dành cho việc tiết kiệm

Bước tiếp theo là dành 20% cho khoản tiết kiệm. Điều này bao gồm kế hoạch tiết kiệm, lương hưu, thanh toán nợ và một khoản dành cho những lúc bất trắc— đây là những khoản bạn nên để riêng ra, trong mục này, danh sách gồm những khoản không ảnh hưởng ngay lập tức đến bạn hoặc cũng không thể khiến bạn trở thành vô gia cư nếu không làm như vậy. Các khoản trong mục này đã được đơn giản hóa, nhưng hy vọng bạn hiểu được ý chính. Loại chi phí này chỉ nên được thanh toán sau khi các khoản cần thiết của bạn đã được lo liệu và trước khi bạn nghĩ đến bất kỳ điều gì trong loại chi tiêu cá nhân cuối cùng.

Hãy coi đây là danh mục “đi trước” của bạn. Trong khi 50% (hoặc ít hơn) thu nhập của bạn là mục tiêu cho những thứ cần thiết, thì 20% — hoặc hơn — phải là mục tiêu của bạn khi có liên quan đến nghĩa vụ. Bạn sẽ trả hết nợ nhanh hơn và đạt được những bước tiến quan trọng hơn để hướng tới một tương lai không có sự thất vọng bằng cách dành nhiều thu nhập nhất có thể cho danh mục này.

Thuật ngữ “nghỉ hưu” có thể không mang lại cảm giác hối thúc khi bạn mới 24 tuổi, nhưng chắc chắn nó sẽ trở nên cấp bách hơn trong nhiều thời gian tới. Chỉ cần ghi nhớ lợi thế của việc bắt đầu sớm là bạn sẽ kiếm được lãi kép nếu bạn để quỹ này phát triển lâu dài hơn.

Hình thành thói quen tốt sẽ giúp bạn có môt cuộc sống tốt hơn. Bạn không cần phải có thu nhập cao để tuân theo các nguyên lý của quy tắc 50/30/20; ai cũng có thể làm được. Vì đây là hệ thống dựa trên tỷ lệ phần trăm nên tỷ lệ tương tự sẽ áp dụng cho dù bạn đang kiếm được mức lương đầu vào và sống trong một căn hộ nhỏ hay nếu bạn đã nhiều năm làm nghề và sắp mua căn nhà đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, tôi có một lưu ý dành cho bạn: Hãy cố gắng không hiểu quy tắc này theo nghĩa đen. Tỷ lệ là cần thiết, nhưng cuộc sống của bạn lại không giống bất kỳ ai. Quy tắc đề ra để bạn có thể làm theo nhưng chỉ khi bạn xem xét thu nhập và chi phí của mình và xác định những gì cần thiết và những gì không, và khi đó, bạn mới có thể tạo ngân sách giúp bạn tận dụng tối đa số tiền của mình. Nhiều năm sau, bạn vẫn có thể thực hiện lại các nguyên tắc tương tự để giúp ngân sách của bạn phát triển cũng như cuộc sống của bạn.

 

Hãy tự hỏi mình: Tại sao quy tắc 50/30/20 lại cần thiết?

Theo trang Consumer.gov, có rất nhiều lý do khác nhau khiến mọi người bắt đầu sử dụng ngân sách:

  • Để tiết kiệm cho một khoản chi phí lớn như nhà, xe, hoặc kỳ nghỉ

  • Đặt cọc cho một căn hộ

  • Để giảm thói quen chi tiêu

  • Để cải thiện điểm tín dụng

  • Để xóa nợ

  • Để có thể chủ động tài chính

Xác định lý do tại sao bạn lập ngân sách theo phương pháp 50/30/20 có thể giúp bạn duy trì động lực và lập kế hoạch tốt hơn để đạt được mục tiêu của mình. Nó giống như tâm lý "tập trung đến giải thưởng". Nếu bạn muốn vung tiền, bạn có thể sử dụng mục tiêu tổng quát của mình để đưa bạn trở lại trạng thái cảm thấy mình cần phải tiết kiệm. Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân: tại sao tôi bắt đầu lập ngân sách? Tôi muốn đạt được điều gì?

Ngoài ra, nếu bạn đang tiết kiệm cho một cái gì đó cụ thể, hãy cố gắng xác định một con số chính xác để bạn có thể thường xuyên đánh giá xem ngân sách của mình theo tuần, tháng và năm có đang đi theo đúng hướng hay không.

 

Cách lập ngân sách với Quy tắc 50/30/20

Để tận dụng tối đa phương pháp lập ngân sách này, hãy xem xét thực hiện theo các bước sau:

1. Phân tích thói quen chi tiêu của bạn:

Trước khi thực hiện ngân sách 50/30/20, hãy nhìn kỹ vào gương (hoặc có thể là ví của bạn). Chúng ta đang nói về việc phân tích thói quen chi tiêu của bạn. Bạn có dành quá nhiều tiền cho quần áo không? Giày dép? Món ăn? Đồ uống hay không? Tìm ra thói quen chi tiêu của bạn ngay từ đầu sẽ giúp bạn học cách sử dụng ngân sách 50/30/20 để cắt giảm chi tiêu một cách hiệu quả ở những nơi bạn cần nhất.

Hãy xem xét bảng sao kê ngân hàng và thẻ tín dụng của bạn trong vài tháng qua và xem liệu bạn có thể tìm thấy bất kỳ xu hướng chung nào không. Nếu bạn nhận thấy rằng mình đang dành quá nhiều cho việc đi mua đồ ăn và thức uống, hãy lên kế hoạch để tránh những khoản này. Hãy nấu bữa tối ở nhà trước đó, thưởng thức một bữa tiệc nhẹ với bạn bè, tìm các món đặc biệt trong khung giờ vàng giảm giá xung quanh thị trấn. Có rất nhiều cách để lập ngân sách và tiết kiệm tiền mà không ảnh hưởng đến đời sống xã hội của bạn.

2. Xác định chi phí bất thường trong danh mục "Muốn"

Tất nhiên, có những chi phí trong cuộc sống mà chúng ta không thể tránh khỏi. Có thể bạn cần sửa chữa chiếc xe của mình hoặc có lẽ bạn đang đặt cọc mua một căn nhà trong sáu tháng tới. Thông thường, những hóa đơn này là những chi phí cần thiết, vì vậy bạn sẽ phải tính chúng vào ngân sách của mình.

Khi bạn sắp đạt được ngân sách 50/30/20 của mình, hãy dành một chút thời gian để xem lịch của bạn để bạn có thể lập kế hoạch cho những khoản chi này và điều chỉnh chi tiêu của mình trong thời gian trước và sau khi bạn phát sinh chi phí.

3. Cộng tổng thu nhập

Tính tổng thu nhập của bạn là bước quan trọng đầu tiên khi học cách lập ngân sách bằng cách sử dụng quy tắc 50/30/20, nhưng nó không phải lúc nào cũng đơn giản như bạn tưởng. Tùy thuộc vào công việc của bạn, bạn có thể có một khoản lương tương đối ổn định hoặc một khoản tiền dao động từ tháng này sang tháng khác. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, hãy thu thập thông tin từ bảng lương của bạn từ sáu tháng qua và tính mức trung bình.

 

Ngân sách 50/30/20 liệu có phù hợp với bạn không?

Ngân sách 50/30/20 không phải là lựa chọn duy nhất. Có nhiều phương pháp phổ biến khác bao gồm:

  • Tổng bằng không: Nguyên tắc của ngân sách có tổng bằng không là bạn phải phân bổ từng đồng mà bạn kiếm được cho một khoản chi phí cụ thể, tài khoản tiết kiệm, nợ hoặc tài khoản thu nhập khả dụng. Phong cách này có thể giúp ngăn chặn chi tiêu không cần thiết vì bạn sẽ biết chính xác số tiền mình phải chi cho những mục nào.

  • Lập ngân sách gói gọn: Cà thẻ là một việc rất dễ dàng — nhưng phương pháp gói gọn không cho phép bạn khuất phục trước sự cám dỗ này. Thay vì sử dụng thẻ của bạn để chi tiêu, bạn sử dụng một lượng tiền mặt xác định trước làm nguồn chi tiêu của mình, và không được nhiều hơn thế nữa.

Việc lựa chọn một phong cách lập ngân sách phù hợp với bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố; không có cách tiếp cận chung nào để lập ngân sách và tiết kiệm tiền. Điều đó chỉ ra rằng, 50/30/20 có xu hướng là một lựa chọn đơn giản nhưng hiệu quả để bắt đầu thiết lập ngân sách của bạn.

 

Bài học chính: Cách lập ngân sách bằng Quy tắc 50/30/20

Dưới đây là các nguyên lý chính của quy tắc lập ngân sách 50/30/20:

  • Quy tắc ngân sách này là một phương pháp đơn giản có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình

  • Phương pháp lập ngân sách này quy định rằng bạn chi không quá 50% thu nhập sau thuế của mình cho các nhu cầu thiết yếu

  • Thu nhập sau thuế còn lại nên được chia thành 30% muốn mua hoặc mua “phong cách sống” và 20% để tiết kiệm hoặc trả nợ

----------

Tác giả: MintLife Blog   

Link bài gốc: 50/30/20 Budgeting Rule: How to Use It [Instructions + Calculator]

Dịch giả: Nguyễn Minh Phương - ToMo - Learn Something New 

Việc làm đang tuyển