AgeCode · 24/03/2020

Học Cách Tư Duy Phản Biện Và Cải Thiện Trí Thông Minh

Bạn có phải là người hay hành động theo cảm tính? Bạn có gặp khó khăn trong việc đưa ra hoặc truyền tải các ý tưởng của mình? Tất cả các vấn đề này sẽ được giải quyết nếu bạn học được cách tư duy phản biện.

Khi biết cách tư duy phản biện, chúng ta có thể biến những lý luận phiến diện trở nên hợp lý. Khi ấy, ta có thể truyền đạt những suy nghĩ và quan điểm của mình và tạo ra những tác động lớn hơn đến người nghe.

Vấn đề đặt ra ở đây là việc làm quen với tư duy phản biện không hề dễ dàng. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn, tôi sẽ giải thích khái quát tư duy phản biện là gì và giới thiệu một vài kĩ năng và phương pháp mà bạn có thể áp dụng để phát triển khả năng tư duy phản biện của mình.

Tư Duy Phản Biện Là Gì?

Nền tảng của Tư duy phản biện có đưa ra một mô tả thích hợp cho khái niệm này:

“Tư duy phản biện là một quá trình kỷ luật mang tính trí tuệ của việc chủ động và khéo léo hình thành các khái niệm, áp dụng, phân tích, tổng hợp và / hoặc đánh giá thông tin được thu thập từ, hoặc được tạo ra bởi, quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, lý luận hoặc giao tiếp, như một sự chỉ dẫn cho niềm tin và hành động .”

Nói cách khác, tư duy phản biện bao gồm việc tiếp nhận và xử lí thông tin để giúp chúng ta có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Những quyết định đó là đúng đắn hơn bởi ta đã có một cái nhìn sâu sắc hơn về một tình huống cụ thể.

Các bạn có thể thấy khái niệm trên khá dài dòng, nhưng thật ra tư duy phản biện đòi hỏi sự áp dụng của rất nhiều loại công cụ. Các công cụ này ở đó để giúp chúng ta xử lí bất kì thông tin nào nhận được.

Tại Sao Tư Duy Phản Biện Lại Quan Trọng?

Giờ đây khi các bạn đã hiểu rõ tư duy phản biện là gì, tại sao tư duy này lại quan trọng đến vậy? Lí do thứ nhất, tư duy này khác so với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Chúng ta tạm dừng lại và nghĩ một cách có chủ đích trong những tình huống này.

Cách tư duy này có một số ưu điểm nổi trội so với cách suy nghĩ thông thường như sau:

1.  Bạn có thể hiểu nội dung của các tư liệu một cách sâu sắc hơn.

Chúng ta có thể lập luận cho những quan điểm của mình một cách rõ ràng hơn, và từ đó có thể có những cuộc thảo luận có hiểu biết hơn. Điều này hoàn toàn khác so với việc học thuộc những thông tin trong sách hoặc các bài viết và nhai đi nhai lại cùng một thông tin giống nhau.

2.  Bạn có thể có những tranh luận thích đáng

Khi chúng ta có lập luận chắc chắn, chúng ta có thể trình bày nó một cách tự tin hơn rất nhiều. Các bạn nên nhớ có một sự khác biệt lớn giữa tranh luận về một chủ đề ta không quen thuộc với tranh luận về một chủ đề mà chúng ta nắm rõ.

3. Bạn có thể đánh giá thành quả công việc của mình một cách tốt hơn

Khi có một khái niệm rõ ràng về các điểm mạnh và điểm yếu của công việc, ta có thể cố gắng cải thiện nó. Điều này sẽ giúp chúng ta thay đổi cuộc sống, nâng cao chất lượng công việc và rất nhiều điều tốt đẹp khác nữa.

Cách Đẩy Mạnh Khả Năng Tư Duy Phản Biện

Vậy với những lưu ý trên, có những điều gì ta có thể làm để cải thiện kĩ năng tư duy phản biện của mình? Chúng ta có thể trở lại với khái niệm mà Nền tảng của Tư duy phản biện đưa ra và dung nó để cùng lúc cải thiện khả năng của mình.

Tư duy phản biện bao gồm:

·     Khái niệm hóa

·     Phân tích

·     Tổng hợp

·     Đánh giá

Những thông tin mà chúng ta nhận được thường xuất hiện từ:

·     Khả năng quan sát

·     Trải nghiệm thực tế

·     Khả năng phản chiếu suy nghĩ

·     Khả năng lập luận

·     Khả năng giao tiếp và truyền đạt

Tất cả những điều kể trên chỉ đường cho những suy nghĩ và hành động của chúng ta. Sử dụng những luận điểm này, ta có thể đưa ra một số hoạt động mà bạn nên làm thường xuyên để nâng cấp khả năng tư duy phản biện của mình.

1. Nghi ngờ những giả thuyết của mình

Những nhà phát minh nổi tiếng nhất đều là những người đưa ra những quan điểm cùng giả thuyết nhất định và đặt câu hỏi cho những giả định của mình. Các nhà bác học như Newton và Einstein đều được nhớ đến như là những người luôn có những quan điểm đa dạng, điều mà đã giúp họ đến với những phát minh vĩ đại nhất lịch sử.

Đây là tia sáng của sự đổi mới.

Mặc dù chúng ta không cần thiết phải trở thành những Einstein thời hiện đại, điều nên làm đó là thường xuyên đặt ra những nghi vấn cho các giả thuyết của mình.

Điều gì đang cản trở bạn đạt được những mục tiêu và giấc mơ của mình. Dù câu trả lời có là gì đi chăng nữa, hãy hình thành thói quen đặt ra những nghi vấn và xác thực những suy  nghĩ của mình.

2. Kéo dài quá trình tư duy

Một cách khác để học tư duy phản biện đó là kéo dài quá trình suy nghĩ của mình ra. Đây là một phương pháp vô cùng hữu dụng vì bản chất loài người là những người suy nghĩ ngắn hạn.

Điều đó có nghĩa là não bộ của chúng ta sử dụng heuristics – những lối tắt của trí tuệ – để có thể xác định được  những điều xảy ra xung quanh mình. Trong quá khứ, tổ tiên của ta đã tận dụng lơi thế này để săn bắt hoặc giao chiến.

Tuy nhiên ở thời đại này, khi các quyết định của ta đòi hỏi độ phức tạp nhiều hơn, việc suy nghĩ ngắn hạn lại trở thành một vấn đề. Đây là lí do tại sao việc bầu cử lại khó khăn đến vậy, vì chúng đòi hỏi rất nhiều kĩ năng và khái niệm được nêu trên. Để có thể đưa ra một kết luận đúng đắn, chúng ta phải dãn quá trình suy nghĩ ra và kết hợp một vài kĩ năng phức hợp khác.

Ý tưởng ở đây là chúng ta nên học cách thừa nhận những khiếm khuyết của mình và tìm cách để kéo dài khả năng tư duy.  Điều này có nghĩa là khi bạn có trong tay một câu trả lời, hãy xem mình có nhìn vấn đề một cách phiến diện không và hỏi tại sao, làm thế nào mà mình đưa ra lựa chọn hoặc câu trả lời đó.

3. Tự phê bình bản thân

Mọi người vẫn nói chúng ta là những nhà tự phê bình kém nhất và điều này thường bị nhìn nhận một cách tiêu cực. Tuy nhiên tôi phải phản đối suy nghĩ này, vì tôi cho rằng khả năng tự nhìn nhận và phê bình là một trong những khía cạnh quan trọng nhất.

Sự nhận xét và phê phán có thể đến từ nhiều nơi khác nhau, thế nhưng một trong những điều quan trọng nhất đối với mỗi chúng ta là khả năng tự phê bình. Cách chúng ta định hướng những suy nghĩ của mình là điều ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong khi rất nhiều người tự hủy hoại bản thân bởi những sự chỉ trích tiêu cực, tôi lại tìm kiếm những câu hỏi cho bản thân mình. Ví dụ, tôi có thể hỏi, “Tại sao mình lại tin vào điều đấy?” Điều này sẽ đưa tôi tới với những câu trả lời mà tôi có thể tiếp cận bằng những phê bình mang tính xây dựng tích cực.

Khi bạn tự đặt cho bản thân những câu hỏi như vậy, bạn sẽ bắt đầu học cách nhìn nhận sự việc và hình thành quan điểm một cách khách quan. Điều này tương đương với việc đưa những thông tin rời xa khỏi sách vở và hình thành những quan điểm qua một cách suy nghĩ sâu sắc hơn.

Một khía cạnh quan trọng cuối cùng của việc tự phê bình bản thân là khả năng tự nhìn nhận những thành kiến, ưu điểm, khuyết điểm và sự thiên vị của bản thân. Bạn có thể dùng những điều này để tiếp cận vấn đề một cách đa chiều hơn.

4. Chủ động lắng nghe

Chủ động lắng nghe là một phương pháp nữa để rèn luyện tư duy phản biện. Khi bạn chịu khó lắng nghe, bạn đang dành thời gian để xử lí mọi việc đến với mình, bao gồm các ý tưởng, lập luận, phê bình và nhiều hơn thế nữa.

Điều này rất quan trọng vì rất nhiều lắng nghe người khác nói chỉ để có thể phản ứng hoặc đáp trả lại. Vấn đề là ở chỗ nó sử dụng trí tuệ của bạn và làm bạn mất tập trung khỏi những gì đang được nói.

Một cách khác là nghĩ đến lắng nghe với sự thấu hiểu. Khi bạn đọc hoặc nghe quan điểm của một người, bạn có thể tiếp nhận và bắt đầu phân tích nó thay vì chỉ tập trung phản ứng hoặc đáp lại.

5. Đánh giá sự việc và bằng chứng

Một cách tiếp theo để học tư duy phản biện đó là thông qua đánh giá các sự kiện và bằng chứng một cách đúng đắn. Đơn giản thôi. Hãy bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi cho chúng.

Bắt đầu bằng cách nhìn nhận ai là người thu thập các bằng chứng và làm cách nào họ có thể làm được điều đó. Cuối cùng, hãy hỏi họ tại sao họ lại làm như vậy.

Hãy thử nghĩ về những nghiên cứu bạn thấy trong chuyên mục tin tức. Trong một số trường hợp, những nghiên cứu có thể có một lượng nhỏ người tham gia và không phản ánh được toàn bộ dân số. Hoặc là nó có thể được tài trợ bởi một công ty hoặc ngành công nghiệp nào đó với mục đích làm cho nghiên cứu trông có vẻ đẹp đẽ. Bạn sẽ không thể biết được sự thật cho đến khi bạn bắt đầu nhìn vào những nghiên cứu và tự mình phân tích chúng.

6. Nghĩ cho bản thân mình

Tất cả những điều này đều chỉ đến việc bạn phải nghĩ cho bản thân mình. Điều này rất quan trọng để gìn giữ và bước tiếp. Chúng ta dù sao cũng đang ở trong thời đại công nghệ thông tin, và có rất nhiều ý kiến, suy nghĩ, ý tưởng và thông tin được đưa ra hàng ngày.

Rất dễ để các bạn bị làm rối bởi tất cả những thông tin đó. Đôi khi chúng nhiều quá và làm bạn lạc lối và quên nghĩ cho bản thân mình.

Cùng lúc đó, bạn không muốn trở nên tự kiêu đến mức bạn phớt lờ mọi thứ. Hãy tiếp nhận những suy nghĩ và quan điểm của người khác, nhưng chắc chắn rằng quyết định cuối cùng nằm ở bạn và bạn phải hài lòng với quyết định đó.

7. Hãy tư duy phản biện khi cần thiết

Trong khi nghiên cứu về việc làm sao để học được tư duy phản biện, bạn phải nhớ rằng đây không phải là một kĩ năng bạn có thể học ngay mà không cần nghỉ ngơi. Tuy rằng đôi khi quá trình suy nghĩ của bạn có thể làm phiền và làm bạn muốn thay đổi, tự đi đúng nhịp điệu của bản thân là rất quan trọng.

Việc suy nghĩ luôn lấy đi rất nhiều trí tuệ, và nếu chúng ta cứ liên tục luyện tập mà không nghỉ ngơi, chúng ta sẽ tạo ra trạng thái căng thẳng tinh thần.

Hãy nhận biết đúng đắn rằng tư duy phản biện chẳng qua chỉ là một thứ công cụ. Sử dụng nó khi bạn có tình huống quan trọng phải giải quyết.

Khi bạn tư duy phản biện, hãy nhớ rằng bạn vẫn có thể mắc lỗi. Không sao đâu vì lỗi lầm là một phần của quá trình. Điều quan trọng là nhận biết những lỗi lầm này để không mắc lại chúng trong tương lai.

Lời Kết

Con đường đi tới tư duy phản biện trông có vẻ không khó trên lí thuyết, thế nhưng trên thực tế nó lại vô cùng khó khăn. Chắc bạn cũng có thể nhìn ra được, vấn đề là ta phải nhìn mọi sự việc với một chút nghi ngờ và mong muốn được đánh giá những câu trả lời của mình.

Đó không phải là điều có thể xảy ra ngay lập tức vì chúng ta luôn có những thành kiến và cách suy nghĩ của riêng mình. Điều quan trọng là nhận ra chúng và thay đổi cũng như thích ứng dần dần.

Hãy cố gắng sử dụng tư duy phản biện vào những thời điểm cần thiết. Khi đó, chúng ta có thể nhìn thấy những lợi ích to lớn mà nó mang lại.

Để trở thành  một người có tư duy phản biện là cả một quá trình, nhưng nó rất đáng giá vì luôn luôn có những thông tin ở đó để ta có thể học tập và phát triển từ đó.

———-

Tác giả: Leon Ho

Link bài gốc: How To Learn Critical Thinking And Improve Brain Power

Dịch giả: Đào Thị Phương Ngọc – ToMo – Learn Something New 

Việc làm đang tuyển