AgeCode · 16/11/2018

Lập trình viên mới ra trường, làm outsourcing hay startup?

Ghi chú trước khi đọc:

  • Bài viết dành cho những ai đang lăn tăn giữa 2 lựa chọn này. Chống chỉ định với thể loại muốn làm tự do, đi du học, tự mở cty,… các kiểu nhá.
    Các cty outsourcing muốn nói đến là các cty lớn như FPT Software, KMS, ELCA, ISB… Nơi mà những quy trình quản lý của họ đã hoàn thiện.
    Các cty nhỏ “startup outsourcing” sẽ quy là startup luôn nhé, bởi lẽ ở họ có sự năng động, mới mẻ và cũng rất nhiều thử thách như những những startup làm product gặp phải.
  • Lựa chọn công việc đầu tiên tại một cty outsourcing hay startup có lẽ là trăn trở của rất nhiều sinh viên ngành IT chuẩn bị hoặc mới ra trường. Tôi cũng có những suy nghĩ về vấn đề này khi đang còn là SV năm cuối ĐH Bách Khoa TPHCM. Và do đã có những trải nghiệm qua hai hình thái cty này, nên tôi muốn chia sẻ một chút cho các bạn còn đang băn khoăn.
  • Mấu chốt vấn đề là bạn thực sự muốn gì?
    Đầu tiên bạn phải nhớ rằng mình là một developer, mà trách nhiệm của developer dù ở đâu thì vẫn là phát triển sản phẩm theo yêu cầu của cấp trên (Project/Product Manager). Đừng ảo tưởng sức mạnh là làm ở startup thì có thể tự tung tự tác làm những gì mình thích bất chấp yêu cầu của cấp trên :v

Vậy nên hãy tự hỏi điều gì ở một công việc là quan trọng nhất với bạn: học hỏi, thời gian làm việc, sản phẩm, lương bổng, thăng tiến,… Chúng ta sẽ bàn chi tiết từng yếu tố nhé.

Khả năng học hỏi

Outsourcing

Công nghệ thường dùng là Java, .NET. Bạn sẽ được học và làm việc xoay quanh một ngôn ngữ như Java, C#,… một database như Oracle, MS SQL,… để trở thành một guru. Bạn sẽ học thêm về quy trình của họ: Commit code, code review, convention,…

Startup

Thường sử dụng các công nghệ đang HOT: NodeJS, ReactJS, Go, MongoDB… Rất khó để một startup có một quy trình hoàn thiện. Bạn sẽ phải tự nỗ lực rất nhiều để học hỏi những công nghệ mới, quy trình mới rất thường xuyên. Điều này rất phù hợp với những bạn nhạy bén, thích thử thách bản thân.

Đôi khi bạn sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm phát triển một sản phẩm của cty, bạn sẽ phải dựng source code từ đầu, phải code, deploy, thiết lập server, bảo mật,… Đừng ngạc nhiên, đây là chuyện bình thường thôi ^^ Việc này rất có lợi cho những bạn muốn trở thành Fullstack Developer.

Thời gian làm việc

Outsourcing

Thường thì thời gian làm việc là 8h/ngày nghỉ T7, CN và sẽ có máy chấm công, nếu bạn chưa biết nó là gì thì tôi giải thích thêm, nó là cái máy đáng ghét nhất dải ngân hà, được phát minh ra để làm khổ nhân loại. Mỗi sáng đến cty làm việc bạn sẽ quét vân tay để xác nhận việc bắt đầu thời gian làm việc. Và khi bạn muốn nhấc cái mông đáng thương ra khỏi phòng: Đi tè, đi mua đồ uống, ngắm gái xinh… cũng phải quét. Trước khi ra về bạn sẽ quét lần nữa để chốt ngày làm việc.

Chuyện này cũng không có gì là xấu, mà suy nghĩ tích cực nó còn là nguyên nhân giúp bạn trở nên kỷ luật hơn.

Startup

Số ít có thể giống bên trên nhưng phần đông họ đều tự do về thời gian làm việc, họ quan trọng việc bạn làm được gì hơn là bạn có mặt thường xuyên.

Tôi từng rơi vào tình trạng lên cty đủ 8h/ngày chỉ để lướt facebook và xem phim khoa học, nhưng cũng có khi ngồi ở nhà mà bị công việc rape nát ass. Nên tự do thời gian sẽ phù hợp với những bạn thích sự thoải mái và có kỹ năng quản lý công việc tốt.

Sản phẩm

Outsourcing

Mỗi dự án sẽ kéo dài tầm khoảng 6 tháng, 1 năm,… Và thường có rất nhiều người trong một dự án. Bạn chỉ là một mắt xích nhỏ trong tổng thể, nhiệm vụ của bạn là hoàn thành tốt trách nhiệm của mình đến khi bàn giao sản phẩm và… qua dự án mới.

Startup

Sản phẩm sẽ đi xuyên suốt với quá trình phát triển của cty. Bạn sẽ nhìn thấy được sản phẩm lớn lên từng ngày, sự chào đón của user như thế nào, và cả quá trình bạn phải khổ sở fix bug, cải tiến và làm “thỏa mãn” user. Đến một ngày bạn sẽ tự hào khi khoe với bạn bè: “Cái webite XXX, cái app XYZ là do bố làm đó”

Lương bổng

Outsourcing

Mức lương cho SV mới ra trường thường có một mức chung ~400$, rất hiếm khi có sự đột biến vì có thể làm ảnh hưởng đến mặt bằng chung lương, đôi khi là cả tâm lý của những nhân viên hiện tại, nguyên nhân chuyện này là do thói quen thích hỏi, so sánh lương bổng của một bộ phận nhân viên.

Đôi khi có những ngoại lệ nếu bạn thực sự giỏi và chứng minh được năng lực của mình. Tăng lương sẽ vào khoảng 10% – 20% một năm, và cũng rất khó có sự tăng đột biến.

Khả năng phá sản của một cty outsourcing nhìn chung là thấp, nên nếu bạn thích sự ổn định thì đây là lựa chọn bạn nên xem xét.

Startup

Không hề có một chuẩn chung nào cả. Tôi từng biết những người rất giỏi làm việc một cách cống hiến với mức lương đủ sống cho qua ngày ~200$ cho cty startup mà họ gắn bó. Nhưng lại có những startup sẵn sàng trả 600$, 700$ cho một SV mới ra trường tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng lăn xả với họ trên con đường khởi nghiệp.

Bạn cần nhớ rằng khả năng thất bại của một startup là rất lớn, nếu điều đó xảy ra thì bạn sẽ mất gì? Tôi thì thấy bạn chẳng mất gì cả, mà lại còn học được rất nhiều thứ, cái trước mắt là “Tại sao cty phá sản =))”. Còn nếu sản phẩm của cty thành công thì sao? Chắc chắn bạn sẽ có những lợi ích xứng đáng.

Thăng tiến

Outsourcing

Các cty outsourcing lớn thường có một career path chung của họ, đại khái như là sau 2 năm bạn sẽ trở thành Leader, sau 4 năm bạn sẽ trở thành TA (Technical Assistant) hoặc chuyển hướng làm PM (Project Manager), v.v…

Startup

Chuyện thăng tiến, chức vụ có vẻ không có ý nghĩa lắm với người làm startup. Quan trọng là bạn đã tích luỹ được những kiến thức gì và nó giúp gì cho bạn trong công việc hiện tại cũng như tương lai.

Kết luận

“Tóm lại bạn phải hiểu rằng làm cho cty outsourcing hay startup không có gì là đúng hay sai cả. Hãy tự hỏi bản thân thực sự muốn điều gì, bạn muốn trở thành người như thế nào. Quyền quyết định là của bạn, hãy sống và làm việc có trách nhiệm với lựa chọn của bản thân.” – Một thanh niên đang fix bug cho biết :v

by Cong Ly

Việc làm đang tuyển