AgeCode · 18/10/2019

NHỮNG DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN ĐANG BỊ TRẦM CẢM TRONG CÔNG VIỆC

Sự việc tự sát đầy thương tâm của ca sĩ – diễn viên Sulli ( tên thật Choi Jin Ri) đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về chứng trầm cảm tưởng đơn giản nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý người bệnh, thậm chí dẫn đến ý định tự sát. Chứng bệnh này đang có xu hướng tăng nhanh ở những người trẻ – những người đang đối mặt trực tiếp với bài toán cơm áo gạo tiền. Họ phải đối mặt với áp lực từ gia đình, công việc, họ phải cố gồng mình cho phù hợp với những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt lên họ. Do đó, nhận biết được căn bệnh sớm sẽ giúp bạn biết cách giải quyết nó, ngăn chặn hậu quả xấu nhất có thể xảy đến. Những dấu hiệu dưới đây sẽ cho bạn biết mình có mắc chứng bệnh trầm cảm hay không?

1/ Thường xuyên lo âu và mệt mỏi khi nghĩ tới công việc

Một đặc điểm nhận biết của người bị trầm cảm là nét mặt trầm buồn, chán nản, không muốn chia sẻ khiến nhiều người xung quanh ngại tiếp xúc. Do đó, đôi khi chính những người xung quanh lại vô tình càng khiến bạn trở nên cô độc, lẻ loi hơn. Từ đó dẫn đến những hành vi gắt gỏng, đây là một biểu hiện về sự khó chịu ở những người mắc chứng bệnh trầm cảm này. 

Nhiều khi bạn cảm thấy khó chịu với tất cả mọi thứ, cảm thấy ở một mình thật tốt, thì đó chính là dấu hiệu của stress dẫn đến trầm cảm. Nếu sau vài ngày, bạn có thể ổn định hơn và suy nghĩ lạc quan hơn thì vấn đề đã được giải quyết. Nhưng có những trường hợp, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khiến bạn ngày càng thu mình, chán ghét mọi thứ thậm chí là bản thân mình thì đây chính là lúc bạn cần sự can thiệp của các chuyên gia.

2/ Vô cảm

Vì ở trạng thái quá mệt mỏi nên bạn dường như không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Phần cảm xúc ở những người trầm cảm thường xuyên bị tê liệt, bạn thấy trống rỗng và vô cảm với mọi thứ xung quanh. Bạn sẽ không cảm thấy hứng thú với bất kì ai, hay bất kì hoạt động nào trong ngày. Dù cho có đang xem một bộ phim hài, một bộ truyện vui hay những chương trình truyền hình vui nhộn,… với họ tất cả đều “nhạt như nước ốc”.

Chính những yếu tố ở triệu chứng 1 là tiền đề cho sự vô cảm của những người mắc chứng trầm cảm. Nếu như càng thu mình lại thì mọi thứ lại càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này sự can thiệp của chuyên gia tâm lý là thực sự cần thiết.

Nguồn ảnh: kenh 14

3/ “Sợ” việc

Khi bạn chán nản, những suy nghĩ tiêu cực sẽ bắt đầu xuất hiện, như: “Mình thật vô dụng”, “Mình sẽ chẳng bao giờ làm tốt được điều gì nói chi là thăng chức”, hay  “Chắc sếp ghét mình lắm”,… Những suy nghĩ đó cứ hiện lên trong đầu khiến bạn ngại đối diện với sếp, thường viện cớ ốm để ở nhà. 

Phải dám thử thách thì bản thân mới có thể phát triển và vươn lên. Giống như quả bóng bay, phải đủ can đảm bơm quả bóng lớn thì nó mới có thể bay lên cao và lâu, việc bơm quá lớn sẽ khiến nó trở nên quá tải rồi bể. Nhưng việc sợ sệt rồi thu nhỏ… thu nhỏ, sẽ có lúc không còn gì trong quả bóng đó nữa. 

4/ Rối loạn giấc ngủ

Ngủ nhiều hơn là một cách mà những người trầm cảm trốn tránh nỗi buồn. Giấc ngủ trở thành nơi để họ ẩn náu mình khỏi sự tuyệt vọng. Ngược lại, cũng có một số người bị trầm cảm thường thấy bồn chồn, ngủ không sâu giấc hoặc thậm chí là mất ngủ. Rối loạn giấc ngủ không chỉ là lời cảnh cáo cho căn bệnh này mà còn có thể khiến nó trầm trọng hơn. Khi bạn ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc, đồng hồ sinh học sẽ bị đảo lộn, bạn sẽ càng mệt mỏi và kém tập trung hơn.

5/ Không thể tập trung

Liên tục quên deadline, trễ giờ, quên công việc? Cảm thấy tâm trí  như một bức ảnh nhạt nhòa? Sự bối rối làm bạn chẳng thể đưa ra quyết định và chọn lựa? Những suy nghĩ buồn bã cùng sự trống rỗng khiến bạn như ngã vào màn sương mù dày đặc không tìm ra lối đi để rồi gây ảnh hưởng đến công việc, trí nhớ và kỹ năng ra quyết định. Sự kém tập trung sẽ gây ra những quyết định sai lầm hoặc là tiền đề cho những hành vi nguy hiểm, khó kiểm soát. Do rối loạn giấc ngủ, chế độ ăn uống, tâm trạng không ổn định mà trí  nhớ bạn không được tốt, khó tập vào làm một việc gì đó, nó lại càng khiến bạn cảm thấy mình trở nên vô dụng, chán nản với công việc. 

Những người trầm cảm thường xuyên cảm thấy bản thân mình rất tệ, không có hứng thú làm bất cứ việc gì, luôn so sánh bản thân mình với những người khác. Đỉnh điểm của sự tiêu cực, họ sẽ nghĩ bản thân chẳng đáng sống, rồi tự dằn vặt bằng cách tự làm đau bản thân, thậm chí là tự sát.

Nguồn ảnh: soha

Khi có những dấu hiệu trên, bạn cần:

Tham gia các hoạt động tập thể để thấy mình có ích và được người khác quý mến.

  • Giữ tinh thần thoải mái và làm những việc mình thích.
  • Tâm sự với bạn bè, người thân để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
  • Khám bác sĩ chuyên khoa tâm lý, uống thuốc và theo dõi thêm.

Trầm cảm là một căn bệnh thật sự và vô cùng nguy hiểm nếu không được quan tâm, chữa trị kịp thời. Đừng thờ ơ với nó bởi nó có thể tước đi mạng sống của bạn.

Nguồn: timviecnhanh.com

Việc làm đang tuyển